Người ta bảo: “Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”, nhưng với bà Trần Thị Hằng, ở xã Hoàng Diệu, TP Thái Bình thì khó cả tứ chi. Đôi bàn tay nhỏ nhắn, trắng hồng thời con gái giờ chỉ còn một đốt ngón cái. Đôi bàn chân co rút, ngắn cũn cỡn, đi lại khó khăn, cứ lật đà lật đật. Gần 30 năm vật vã dưới tận cùng bể khổ, ở tuổi 70, bà mới được ngẩng mặt với đời.
Ngồi trong căn biệt thự hoành tráng trị giá vài tỷ đồng ở vùng ven thành phố Thái Bình, nhớ về một thời lầm lũi trong tủi nhục để sống, những giọt nước mắt cứ lăn trên gò má của bà. Bà Hằng bảo, cả đời ngụp lặn trong đau khổ mà không khóc được, giờ sướng một chút lại hay rơi nước mắt.
Bà Trần Thị Hằng sinh ra trong một gia đình kháng chiến. Bố là thầy giáo, rồi Chủ tịch xã Hoàng Diệu, bị địch bắn chết trong một trận càn, ngay trước mắt bà. Hình ảnh khủng khiếp ấy in đậm vào ký ức và khiến bà trở nên có nghị lực thép.
Bà Hằng xưa kia học rất giỏi. Hồi đi thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc, nhà thơ Tố Hữu đã ra đề thi làm thơ ứng khẩu tự nhiên, bà Hằng đột nhiên nhớ đến cha rồi làm một bài thơ rất cảm động. Nhà thơ Tố Hữu khen hay và cho giải nhì.
Với đôi bàn tay tật nguyền, bà Hằng vẫn luôn cố gắng lao động với nghị lực phi thường.
Học rất giỏi nên Hằng được cử đi học Đại học Tài chính – Kế toán. Giữa mùa thu năm 1967, ra trường, Hằng cùng bạn bè khoác ba lô, vượt Trường Sơn vào tận Sài Gòn, Đồng Nai làm công tác thanh vận cho đồng bào vùng giải phóng.
Tháng 5/1968, do yêu cầu công tác, bà trở ra miền Bắc làm ở Ty tài chính Hà Tây. Cuối năm 1972, khi bà đang quét dọn kho tàng thì máy bay Mỹ lao tới trút bom. Một mảnh bom cắt phăng mảng da đầu, một mảnh găm vào mông và một mảnh xuyên thủng bụng.
Bác sĩ phải cắt bỏ hơn 1m ruột bị nát bấy. Bà Hằng nằm bất tỉnh trong bệnh viện suốt nửa năm trời. Do sức khỏe mỗi ngày thêm sa sút nên cơ quan giải quyết cho bà về chế độ “một cục”.
Hồi về quê chồng ở Bắc Ninh, bà mang thai đứa con đầu, nhưng do sức khỏe yếu nên bị lên cơn sản giật. Gia đình nghĩ không thể cứu được nên sắm quan tài chuẩn bị làm tang ma. Nhưng lúc bà hấp hối thì có một người đàn bà giàu sang tên là Tuyết, người Đông Du bế lên xe đưa đến bệnh viện Suối Hoa mổ cấp cứu. Không cứu được đưa bé, nhưng bà sống. Mấy chục năm nay, bà Hằng cố công dò hỏi nhưng không biết người đàn bà tên Tuyết đó ở đâu để trả ơn cứu mạng.
Năm 1975, bà sinh Tú Anh trong tủi hờn nước mắt, bởi chồng đã bỏ đi theo gái. Gia đình chồng cũng hắt hủi, ghẻ lạnh. Không có tiền, không ai chăm sóc, đẻ xong, bà phải lần đến từng giường của những người bệnh khác để xin ăn từng mẩu bánh mì, từng miếng cơm thừa cho con có sữa bú.
Bà lặng lẽ bế đứa con đỏ hỏn với nước mắt nhạt nhòa vừa lang thang xin ăn, vừa tìm đường về quê mẹ. Người mẹ bệnh tật, nằm co quắp trong ngôi nhà hoang nhìn thấy đứa con tàn tạ mà không nói nên lời, hai mẹ con cứ ôm nhau khóc ngặt.
Tài sản mẹ để lại cho bà gồm mảnh vườn nhỏ xíu, ngập nước cùng cái ao rộng 3 sào, sâu như thùng đấu. Bà chặt hạ những cây chuối hột trong vườn, kết lại thành bè, chốt xung quanh bằng những cọc tre rồi dựng lên túp lều lợp bằng rạ.
Mỗi khi mưa lớn, nước trên đồng tràn vào ao, ngập khắp vườn, chiếc bè chuối của mẹ con bà lại nổi lên, dập dềnh trên mặt ao. Bà chỉ có chiếc nón mê, mấy chiếc áo vá chằng vá đụp mà chống lại những mùa đông rét căm căm, gió lạnh lùa tứ bề. Đã có không ít lần giông bão, gió thổi bay cả mái rạ, đánh tan bè chuối, mẹ con bà lóp ngóp bơi giữa dòng nước.
Để tạo lập cuộc sống, bà Hằng đắp đất tôn cao bờ ao, rồi mua cá giống về thả. Bà dầm mình hết ngày này qua ngày khác móc bùn đắp thành rệ xung quanh ao để trồng khoai nước, thả rau muống.
Đôi bàn tay người đàn bà bao nhiêu năm chọc xuống bùn, đôi bàn chân ngày ngày ngập trong buốt giá đã không chịu nổi nên viêm nhiễm, lở loét. Tiền mua thuốc không có, mà những ngón tay mỗi ngày lại lở loét, sưng vù đau đớn khiến bà chẳng làm được việc gì.
Bà tự nghĩ ra cách điều trị khủng khiếp: nung đỏ dao, kê những ngón tay lở loét lên viên gạch rồi nghiến răng chặt. Khi ngón tay lở loét đã đứt lìa, bà lấy vôi đắp vào. Vết thương vừa ngậm miệng, bà lại nhào xuống ao. Cứ đến mùa đông là những cơn co giật lại ập đến, những ngón tay lại lở loét, đau đớn và bà lại xử sự với nó bằng cách đó.
Lần lượt 10 ngón tay đã mất bằng kiểu hành xác khủng khiếp. Bàn tay trái cầm dao chặt ngón tay phải, bàn tay phải cầm dao chặt ngón tay trái. Khi không còn ngón tay cầm dao nữa thì bà dùng dây buộc dao vào cổ tay thật chặt. Mỗi ngón tay rời khỏi bàn tay là một lần máu me đầm đìa và đau đớn ngất lịm.
Điều đau đớn hơn cả việc cầm dao tự chặt vào tay mình, đó là việc bà bị dân làng nghĩ mắc bệnh “hủi”. Bản thân bà lúc đó cũng nghĩ mình bị “hủi”. Người ta không dám đi qua cái bờ ao nhà bà nữa. Rau cỏ, cá mú bà bán cũng chẳng ai mua. Thậm chí, một số kẻ còn đòi chôn sống cả hai mẹ con để tiêu diệt mầm bệnh.
Nghĩ đã hết đường sống nên bà viết một lá thư tuyệt mệnh cho mẹ già: “Con chết rồi, mẹ hãy gửi Tú Anh vào trại trẻ mồ côi”. Bà trẫm mình xuống dòng Trà Lý mênh mông. Ông lão thuyền chài nhào xuống dòng nước xiết mò bà lên. Ông lão bảo: “Sống thì khó, chết thì dễ. Chết vô nghĩa lắm…”, rồi ông chèo thuyền bỏ đi. Ngẫm lời ông lão thuyền chài, rồi nghĩ đến con, bà chợt bừng tỉnh.
Ngôi nhà tiền tỷ của bà Trần Thị Hằng.
Bà lững thững lội qua cánh đồng trong đêm trăng vằng vặc sáng. Vừa thấy bóng bà về, dân quân đã trói lại rồi khiêng đến trại phong Văn Môn ở huyện Vũ Thư. Tuy nhiên, qua xét nghiệm, bác sĩ khẳng định trong máu bà không có vi khuẩn bệnh phong. Bà bị lở loét là do sức yếu lại làm việc quá nặng nên bị nhiễm trùng, viêm cơ địa.
Tuy vậy, con mắt người làng nhìn bà như “con hủi” vẫn không hề thay đổi. Để tìm đất sống, cứ 3h sáng bà lại trở dậy, cho Tú Anh vào một bên quang gánh, bên kia là mớ rau, nải chuối, rổ cà rồi quẩy sang tận Nam Định bán.
Đêm đêm, hai mẹ con nằm co quắp ở đầu đường xó chợ sống qua ngày, mùa đông chui vào bao tải cho ấm. Kiếm được đồng nào bà đều cất đi, đến bữa thì vào các quán ăn xin cơm thừa. Vì mấy năm trời ăn đường, ngủ chợ nên sức khỏe suy kiệt nhanh chóng. Lúc ấy, Tú Anh đã lên 6 tuổi. Ngoài giờ đi học, Tú Anh lại mua lạc về rang rồi đêm xuống đem ra thị xã bán, gần nửa đêm mới về nấu cháo đổ vào miệng cho mẹ.
Một buổi sáng thức dậy, bà thấy mình không cử động được nữa, miệng ú ớ chẳng nên lời. Trận ốm liệt giường kéo dài hơn 1.000 ngày. Cơ thể bà chỉ còn da bọc xương, chưa đầy 20 kg. Thi thoảng đuối sức quá, bà lại lên cơn co giật đùng đùng. Biểu hiện đó là của người sắp chết.
Tú Anh cắp 2 con gà mái đẻ đi bán lấy tiền thuê xích lô chở mẹ đi viện. Bác sĩ nhìn thấy người đàn bà teo tóp, chân tay lèo khoèo, hai mắt nhắm nghiền, liên tục co giật nên bảo: “Đã sắp chết rồi còn mang đến bệnh viện ăn vạ”. Thế nhưng, đến nửa đêm mà bà vẫn chưa chết.
Cân sàn 1 tấn | Cân sàn 2 tấn | Cân sàn 3 tấn | Cân sàn 5 tấn | Cân điện tử 1 tấn | Cân điện tử 2 tấn | Cân điện tử 3 tấn | Cân điện tử 5 tấn |
Ông giám đốc bệnh viện đến trực, cầm đèn soi vào mặt và nhận ra người quen. Ông yêu cầu bác sĩ, y tá cứu chữa, nhưng họ cứ đùn đẩy nhau vì sợ lây “hủi”. Vị bác sĩ già phải trực tiếp tiêm vào ống chân, truyền máu và đến 7 ngày sau bà mới hồi tỉnh.
Tuy nhiên, suốt 3 năm trời sau cơn thập tử nhất sinh, bà trở nên điên điên khùng khùng như một đứa trẻ. Khi ấy, đôi bàn chân bà đã co rút, các ngón chân như không có xương, thụt hẳn vào trong một cục thị tròn lẳn. Ba năm trời nằm liệt giường, ba năm trời mất trí, bà sống nhờ bàn tay chăm sóc của Tú Anh.
Đúng lúc mẹ đẻ bà bị ngã, chấn thương cột sống, nằm liệt thì bà Hằng đột nhiên tỉnh lại. Dù đôi bàn tay không còn ngón, dù hai bàn chân đã tật nguyền, nhưng bà vẫn cảm thấy cuộc đời phơi phới phía trước.
Bà bán cá, bán đàn gà lấy vốn xây chuồng trại trên mảnh vườn hoang để nuôi lợn. Từ một chuồng nuôi tạm bợ, bà đã dựng lên một hệ thống liên hoàn gồm 10 chuồng. Mỗi năm bà xuất chuồng đến cả chục tấn lợn. Có lúc, đàn lợn của bà lên đến 200 con. Cả ngày, hai mẹ con bò dài ra cánh đồng cắt cỏ, dầm mình dưới ao trồng rau, trồng khoai.
Bà đấu thầu những mảnh ruộng thụt lầy để lấy đất trồng rau, nhặt nhạnh từng mảnh ruộng vụn vặt do người dân bỏ hoang để cày cuốc, trồng cấy. Ngày nào bà cũng làm việc luôn tay, luôn chân từ 4h sáng đến 12h đêm.
Đêm xuống, khi đàn lợn đi ngủ, Tú Anh lại buộc cùi tay mẹ vào xe thồ rồi hai mẹ con đẩy xe ra bãi sông xã Đông Hòa chở đất về lấp ao. Mười mấy năm ròng rã như thế, bà đã lấp được mảnh vườn rộng đến 300m2. Trên mảnh vườn ấy đã mọc lên ngôi nhà ngói thấp lè tè, làm nơi trú nắng trú mưa của mẹ con bà và người mẹ già ốm yếu.
Việc nuôi cả trăm con lợn, cấy hơn mẫu lúa, chăm sóc ao cá, dường như vẫn nhàn nhã đối với người đàn bà từng phải chịu bao năm “thử lửa” nên bà nghĩ ra chuyện đóng gạch. Từ tảng sáng đến nửa đêm bà làm việc quần quật bên đống đất. Đôi tay cụt ngón chai sần vục vào đất nhào nặn, lóc từng tảng nhồi vào khuôn, đập, đóng. Cùi tay thọc vào đất, gặp hòn đá, hòn sỏi, buốt đến tận xương.
Có lần, mây đen sầm sập kéo đến, trời đổ mưa tầm tã, cả vạn viên gạch mà bà nhào nặn mấy tháng trời bỗng chốc biến thành đống đất nát. Bà không buồn, không khóc mà tiếp tục nhào lại đất, đóng lại gạch. Gạch ra khuôn, phơi khô, bà bán luôn cho mấy chủ lò ở Kiến Xương. Tổng cộng có 13 năm trời người đàn bà tật nguyền này liên tục nhào đất nặn gạch để bán.
Bà cũng không nhớ là đã bán được bao nhiêu vạn gạch. Hễ cứ bán được mẻ gạch nào bà lại mua vàng bỏ vào hòm. Sau này, khi mở hòm ra bà tính tổng cộng được 25 cây vàng.
Niềm vui lớn nhất đời bà là ngày Tú Anh đỗ Đại học Kinh tế quốc dân. Nhưng sóng gió tưởng đã qua, bỗng dưng lại ập tới. Năm thứ 2 đại học, Tú Anh bị bệnh thiếu ôxy não, sinh độc tố trong máu, phải bỏ học giữa chừng.
Bà Hằng hạnh phúc bên cháu nội.
Ròng rã năm trời, bao nhiêu tài sản tích cóp đã tan theo bước chân của hai mẹ con từ Bắc vào Nam. Ngày Tú Anh khỏi bệnh cũng là ngày số nợ của bà lên đến 73 triệu đồng, một số tiền rất lớn vào thời điểm năm 1994. Bà lại trở về với máng lợn, với chiếc khuôn gạch và cái ao sâu.
Làm ăn thuận lợi nên bà nhanh chóng trả được nợ. Có vốn, bà vét ao, xây tường bao và thả ba ba. Tuy nhiên, một buổi sáng đầu năm 1997, đàn ba ba trị giá 200 triệu chết nổi lều phều. Đàn lợn 65 con cũng chết sùi bọt mép. Bà ngửi thấy mùi thuốc trừ sâu sặc lên từ máng lợn.
Cho đến bây giờ, bà vẫn không biết ai là kẻ hại mình một cách tàn độc như thế. Số tiền đầu tư mất trắng, bà lại trở thành con nợ. Người cho bà vay 43 triệu đồng đã “niêm phong” ngôi nhà và mẹ con bà lại bơ vơ, không nơi nương tựa.
Quyết không đầu hàng, mẹ con bà Hằng ra Quảng Ninh làm nghề buôn thúng bán mẹt. Tú Anh vừa đi lấy hàng giúp mẹ, vừa tranh thủ học lớp bồi dưỡng giám đốc. Do lanh lợi, hoạt bát nên chẳng mấy chốc bà đã kiếm đủ số tiền trả nợ và Tú Anh cũng hoàn thành khóa học. Bà đã lấy lại được nhà và lại lần nữa bắt đầu cuộc làm giàu từ đôi bàn tay trắng.
Từ đó, bà Hằng trở nên rất giàu có nhờ cái ao và đàn lợn. Tú Anh cũng đã lấy vợ, sinh con và thành lập công ty chuyên về diệt mối, xử lý, bảo quản lâm sản. Ngày đó, tuy khó khăn nhưng bà Hằng đã động viên con dâu đi học và thi đỗ Đại học Sư phạm Thái Nguyên, để bây giờ trở thành cô giáo.
Nơi xóm nghèo thuần nông ven thành phố cách đây gần chục năm bỗng mọc lên một tòa biệt thự hoành tráng, kiểu cách. Tòa biệt thự cao vọt hẳn lên khỏi ngôi làng ngoại ô thành phố. Người ta đều không thể tin nổi đó là biệt thự của Hằng “hủi”, người đàn bà bệnh tật từng có cuộc sống tủi cực đến khủng khiếp.
Bà Hằng bảo rằng, ngôi biệt thự nằm ở nơi mà xưa kia là mặt ao, mẹ con bà từng mất hàng chục năm trời chở đất, san lấp. Riêng số tài sản, công sức đổ xuống lấp ao, rồi xử lý móng đã bằng hai tầng của tòa nhà. Tú Anh khuyên mẹ nên xây nhà trên miếng đất mua được ở mặt đường để hưởng lạc, song bà không nghe. Bà bảo, mẹ con bà sống được là nhờ đàn lợn và cái ao nên dù tốn kém nhiều tỷ đồng để xử lý nền móng, bà vẫn quyết xây lên tòa nhà vương giả trên mảnh đất khốn khó.
Mấy đứa trẻ lang thang, mồ côi mà bà nuôi dưỡng, bao bọc năm xưa, giờ thành đạt, có đứa sống ở trời Tây, cũng đã gửi cho bà cả trăm triệu bạc để bà xây nhà. Tuy nhiên, bà không cần tiêu đến khoản tiền đó. Bà dùng số tiền đó để nuôi những đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ và luyện chúng thành tài bằng cách truyền cho chúng nghị lực sống phi thường.
Giờ đây, dù đã khá giả, thành đại gia trong con mắt người dân trong vùng, nhưng người đàn bà này vẫn tự tay băm bèo, chăn lợn, thả cá, nuôi ba ba. Mảnh vườn đầy rau cỏ, hoa trái và những mảnh ruộng lúc nào lúa cũng tốt bời bời.
Bà Hằng bảo, cứ làm thì khỏe, chơi thì mệt mỏi. Sống khổ quen rồi, nên bây giờ, dù điều kiện sống tốt hơn, một bước lên xe, nhưng bà cũng chỉ ăn cá vụn, tép vụn, ăn thịt thà là thấy khó khăn.
Mấy năm trước, Nhà nước có chính sách trợ cấp ưu đãi cho con liệt sĩ nên bà Trần Thị Hằng được đưa đi khám sức khỏe. Ông bác sĩ ở Hội đồng giám định y khoa tỉnh Thái Bình nói bà bị mất 90% sức khỏe, nhưng trong giấy khám bệnh chỉ ghi là mất 81% sức khỏe, bởi đó đã là giới hạn cao nhất rồi.
Bà Hằng đang ấp ủ viết cuốn hồi ký về cuộc đời mình, cả một tập thơ nữa. Bà bảo, những vần thơ đã cứu rỗi linh hồn bà trong những lúc tưởng như tuyệt vọng nhất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét