“Nếu chấm điểm cho mẹ, con sẽ chấm 9 điểm. Mẹ rất quan tâm và lo cho con, chỉ có điều mẹ hay la con”, bé Nhật Minh, 12 tuổi, TP HCM, tâm sự.
âm sự của Nhật Minh được chính mẹ bé rất chia sẻ. Biết con thích nghe những lời nhẹ nhàng nhưng mẹ Nhật Minh là chị Huỳnh Thị Thủy thừa nhận đôi khi “bực mình và không kiềm chế nổi nên đã quát mắng con”. Chính cha mẹ cũng biết rầy la không mang lại hiệu quả nhưng dường như lúc đó họ không biết chọn cách ứng xử nào khác.
Bị cha mẹ mắng dường như là nỗi trăn trở của trẻ con, theo chia sẻ của các em tại tọa đàm "Định hình nhân cách cho con trẻ từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình", diễn ra ở TP HCM. Bé Chí Khang, 11 tuổi, ở Tây Ninh, nói rằng tại mình nghịch và phá nên bị mẹ mắng. Bé Mỹ Ngọc, 12 tuổi, chị gái của Khang cảm thấy không vui vì thường xuyên bị em trai quậy nhưng sau đó mẹ sẽ mắng cả hai chị em. Dù cha mẹ mắng vô lý hay có lý thì các bạn nhỏ đều mong muốn cha mẹ đừng quát tháo mình.
Khi con gái chưa xin được việc, đi chơi nhiều, chị Huỳnh Thị Yến (Tân Phú) rất sốt ruột. Chị mắng nhiều khiến con phải thốt lên: “Nếu mẹ cứ như vậy thì cho con ra ngoài thuê nhà ở riêng”. Cảm thấy bất lực, một ngày chị gọi con ra và nói nhẹ nhàng: “Mẹ đồng ý cho con ra ngoài, nếu con thấy không ở được thì cứ về nhà”. Sau câu nói quyết liệt của mẹ, con gái chị ngồi suy nghĩ rồi bật khóc và ôm lấy mẹ. Đến bây giờ thì chị cảm thấy hài lòng vì con đã có công việc ổn định và biết lo toan cho gia đình hơn.
Là cha mẹ, ai cũng muốn con cái ngoan ngoãn. Nói sao để con nghe lời sẽ không khó nếu như ta hiểu được tâm lý của con. Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Giám đốc Chiến lược Trung tâm Đào tạo Kỹ năng sống và Chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt, kể lại câu chuyện của chính anh thời tuổi teen. Hôm đó, Hòa An đã có ý định sẽ quét nhà cho mẹ, cậu bé muốn đợi mẹ đi chợ rồi mới làm. Thế nhưng trước khi ra khỏi nhà, mẹ đã mắng con vì không chịu làm việc mà cứ mải chơi game. “Đằng nào cũng bị mẹ mắng nên lúc đó tôi đã quyết định sẽ không quét nhà nữa”, anh kể lại.
Theo thạc sĩ Hòa An, muốn giáo dục con trẻ, cha mẹ cần giúp trẻ hiểu vấn đề chứ không thể dùng những câu mệnh lệnh. Đứa trẻ thường rất khó chịu và tìm cách chống đối nếu bị áp đặt. Anh từng gặp trường hợp một cậu bé đang chơi game lúc tối. Người cha bước vào phòng ra lệnh: “Tắt máy tính và đi ngủ đi, muộn rồi”. Cậu bé hậm hực kết thúc trò chơi theo yêu cầu của bố nhưng vào giường, trùm chăn mở điện thoại chơi tiếp. Anh An cho rằng, nếu người bố tỏ ra đồng cảm với con, chơi cùng với con khoảng 5 phút, hỏi thăm con về game, đứa trẻ sẽ rất sung sướng. Sau đó, bố bảo con "bây giờ muộn rồi, nếu thức khuya sẽ không tốt cho sức khỏe, con nên đi ngủ", thì chắc chắn đứa bé sẽ rất vui vẻ làm theo lời bố.
Để con không biến thành những đứa trẻ bướng bỉnh, anh An cho rằng cha mẹ nên thấu hiểu tâm lý của con. Dưới 3 tuổi, trẻ rất cần được tương tác với cha mẹ, trẻ thích các hành động sắm vai và muốn được làm người lớn. Ví dụ, khi sang đường, đứa trẻ không muốn bị dắt tay, nó thường cố tình chạy lên trước. Tuy nhiên, nếu mẹ giả vờ: “Đường đông quá, mẹ sợ, con dắt tay mẹ nhé”, nó rất tự hào và nắm tay mẹ thật chặt.
Ở lứa tuổi tiểu học, trẻ thích khám phá thế giới xung, chứng tỏ khả năng hiểu biết của mình. Trẻ thích được thừa nhận và thích nhận câu đố. Muốn con làm việc gì, cha mẹ giả vờ, “đố con làm xong bài trong 30 phút”, “đố con lau nhà sạch”, đứa trẻ sẽ rất hào hứng.
Ở lứa tuổi teen, trẻ vô cùng ghét nếu bị ra lệnh, cấm đoán. Thậm chí càng cấm chúng càng làm, nhưng chúng sẽ dễ nghe lời hơn nếu được cha mẹ thông cảm và giúp thấu hiểu vấn đề. Đặc biệt con trẻ sẽ rất cảm động nếu được nghe cha mẹ xưng hô “mẹ - con”, “ba - con”, tiếc rằng rất nhiều cha mẹ dễ dàng thốt lên những từ "mày - tao" với con. Ngôn ngữ, cách ứng xử của cha mẹ sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới nhân cách của đứa trẻ sau này.
"Một đứa trẻ sẽ trở thành người như thế nào phụ thuộc vào bốn yếu tố: di truyền, môi trường sống, giáo dục gia đình - xã hội và bản thân hoạt động của đứa trẻ", anh An nhận xét. Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai bổ sung, xây dựng nhân cách, giáo dục trẻ trong giai đoạn hiện nay khó hơn trước rất nhiều khi gia đình có nhiều tiện nghi nhưng thời gian lại quá chật hẹp, thừa tiền nhưng thiếu tình thương.
Muốn con ngoan, trước hết bố mẹ phải là tấm gương cho con. Dù bận thế nào, bố mẹ cũng phải dành thời gian cho con và cho gia đình. Nếu vợ chồng dành thời gian cho nhau sẽ bớt những vụ ngoại tình, bố mẹ dành thời gian cho con sẽ bớt đi những đứa trẻ hư. Gia đình không sum họp, tương tác, mỗi thành viên trong gia đình sẽ trở thành một ốc đảo.
Bà Mai cũng khẳng định đòn roi, la mắng con không phải là cách để cha mẹ giúp con phát triển nhân cách. Thay vào đó, hãy nói lời yêu thương, những câu “Bố yêu con”, “Mẹ yêu con”, “Con yêu bố mẹ” mới là những câu thần chú hiệu nghiệm trong giao tiếp trong gia đình.
Để con ngoan và biết nghe lời, cha mẹ cũng đừng bao giờ áp đặt con, hãy để con được sống đúng cuộc đời của con. Mỗi đứa trẻ là một tính cách, vì vậy cha mẹ hãy lựa theo tính cách của con mà dạy con. Chỉ cần con biết mình được yêu thương, được tôn trọng, con sẽ biết tôn trọng những người xung quanh và đó chính là con người có nhân cách.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét