Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

Chi tiêu gia đình: Bài toán khó

Ai là người giữ tiền? Chi tiêu thế nào là hợp lý? Làm sao để có được sự đồng lòng trong từng khoản chi tiêu giữa vợ chồng? - luôn là một “bài toán khó”. Vấn đề chi tiêu gia đình thường không chỉ làm tình làm tội các bà nội trợ, mà còn là nguồn cơn của bao nhiêu bất hòa, mâu thuẫn trong đời sống vợ chồng.


Chung không được…
Có những cuộc hôn nhân đổ vỡ mà đến lúc nhìn lại, người trong cuộc lại chặc lưỡi, xót xa: “Chỉ tại hồi đó quá nghèo!”. Ngược lại, cũng vô số cặp vợ chồng vẫn mặn mà tình cảm trong cảnh nghèo khó, chật vật. Rõ ràng, trong nguồn cơn chính yếu của sự đổ vỡ ấy, cái nghèo không phải nguyên nhân, mà nguyên nhân thực chất nằm ở năng lực kiểm soát và làm chủ tài chính của từng cặp đôi.

Tưởng như, chỉ cần tay hòm chìa khóa là người khéo thu vén thì cuộc hôn nhân có thể xuôi chèo mát mái giữa dòng chảy cơm áo gạo tiền, nhưng không hẳn. Đến dự buổi tọa đàm “Xây dựng chi tiêu hợp lý trong gia đình” do Nhà Văn hóa Phụ Nữ TP.HCM tổ chức, chị Thanh Thảo (Q.7) bật khóc vì những nỗ lực vun vén của mình đã không cứu được cuộc hôn nhân rạn nứt từ những mâu thuẫn nảy sinh do chuyện tiền bạc.

Từ khi mới cưới, chị Thảo đã được chồng giao phó trách nhiệm giữ tiền và quán xuyến mọi chi tiêu. Lúc ấy, chồng là giáo viên mới vào nghề, vợ là thợ may công nghiệp; đồng lương ít ỏi anh mang về mỗi tháng cộng với tiền công may không đủ chi tiêu; chị Thảo lặng lẽ nhận hàng về làm thêm. Khoản tiền làm thêm bù vào những thiếu hụt; chị yên tâm duy trì mức sống. Đứa con đầu tiên ra đời, chị không còn thời gian để bươn chải. Kinh tế gia đình lắm lúc rơi vào bế tắc. Dần dần, chồng đâm bực bội, cáu bẳn vì cảnh túng thiếu. Mặc cho vợ thiệt tình kê khai những khoản chi, anh gạt đi, la lối: “Sao ngày xưa lương thấp thì đủ, giờ lương gấp đôi, gấp ba lại thiếu?”; rồi buộc tội chị “cắt xén, đem về cho cha mẹ”. Không sao giải thích được với chồng, chị Thảo đành ngậm ngùi nhận nỗi oan “biển thủ”, “tiêu hoang”.




Khi phụ nữ một tay quán xuyến tiền bạc, đàn ông dễ nhầm lẫn giữa việc “góp tiền” và việc chia sẻ trách nhiệm tài chính gia đình. Theo ThS Hà Trung Thành (Trường Cán bộ TP.HCM), không chỉ việc kiếm tiền mà cả việc cân đối chi tiêu cũng là một gánh nặng, nếu không được chia sẻ, người phụ nữ dễ bị “quá tải”. Sự chia sẻ có thể chỉ đơn giản là niềm cảm thông, tin tưởng đối với bạn đời, hoặc là sự chung sức tính toán. Dù ai là người giữ tiền, việc chi tiêu cũng phải có được sự thống nhất của hai vợ chồng.

Theo chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai, có thể vì tuyệt đối tin tưởng bạn đời, đàn ông thường có xu hướng gạt đi những kể lể chi li về tiền bạc. Tuy nhiên, người vợ phải giữ thói quen chia sẻ để giúp chồng hình dung được những đầy vơi, thiếu đủ trong “tài khoản” gia đình; giúp con hiểu được gánh nặng của cha mẹ mà trân quý đồng tiền. Hơn thế, những khoản chi tiêu được tái hiện rõ ràng còn giúp người chi tiền nhận ra những sai sót, lãng phí; giúp người kiếm tiền ước tính được tương quan thu nhập - chi trả mà có trách nhiệm điều tiết, nỗ lực hơn.

…Riêng cũng không xong!
Giải phóng khỏi mô hình gia đình truyền thống bằng bao nhiêu tiêu chí bình đẳng vợ chồng, tự do cá nhân, các cặp vợ chồng hiện đại chọn cách độc lập tài chính, chi phí chung chia làm hai phần để mỗi người tự chi trả. Theo họ, việc này giúp mỗi người làm chủ thu nhập, có ý thức hơn trong việc kiếm tiền, tiêu tiền; tránh tình trạng dựa dẫm, đùn đẩy gánh nặng kinh tế cho bạn đời. Tuy nhiên, theo chị Tâm An (P.9, Q.Tân Bình), “sòng phẳng chưa hẳn là điều tốt”.

Thuộc mẫu người phụ nữ độc lập, ngay từ lúc sắp kết hôn, chị An đã đề nghị chồng tự giữ thu nhập của mình và cùng nhau đóng góp vào những khoản chung trong gia đình. Sự đóng góp được chia theo tỷ lệ thu nhập của hai người, theo đó, chị An thu nhập chỉ bằng 2/3 chồng, nên các khoản chi chị cũng đóng góp theo tỷ lệ ấy. Trước những khoản chi lớn, chị đều bàn bạc và chỉ quyết định khi có sự thống nhất và đóng góp của chồng. 
Thời gian đầu, mọi việc khá êm xuôi. Chỉ đến khi đứa con thứ hai ra đời, các khoản chi ngày một nhiều, anh bắt đầu mặt nặng mày nhẹ mỗi lần “rút ví”. Quá nhiều khoản lớn nhỏ, chị An dồn đến cuối tháng mới kê khai thì anh cứ lần lữa không chịu chi. Rút kinh nghiệm, chị chuyển sang chia nhỏ để “đòi” đều đều, thì y như rằng, mỗi lần nhắc tới tiền, vợ chồng lại mất vui khi anh vặn vẹo chán chê mới chịu đóng góp. Dù hiểu cảm giác của người đàn ông sau một ngày chật vật kiếm tiền lại phải đối mặt với những khoản chi trên trời dưới đất, nhưng chị vẫn mệt mỏi, ấm ức. Để tránh tình trạng “đòi nợ”, “trả nợ”, chị thống nhất với chồng chia hai các khoản chi tiêu thường xuyên để vợ chồng luân phiên chi trả. Theo đó, anh trả các khoản điện nước, tã sữa cho con; chị lo chợ búa, cơm nước, phần hiếu hỷ cho hai bên gia đình thì… phần ai nấy lo.

Chị thừa nhận, việc phân chia rạch ròi giúp chị thoát khỏi nỗi ám ảnh cứ phải nhắc nhở chồng chuyện tiền nong; nhưng trong những tháng ngày sòng phẳng ấy, họ đã để trôi tuột đâu mất sự đồng lòng vợ chồng, mất hết niềm vui cùng nhau sắm sửa, vun vén gia đình. Đến nỗi, căn nhà vợ chồng mua ở tạm từ lúc mới cưới, đến nay đã xuống cấp trầm trọng, chị bao bận tính mở lời nhắc chuyện sửa sang nhưng lại thôi khi thấy chồng không quan tâm. Có lần, người chị chồng đến chơi, nhìn bộ sofa của chủ nhà cũ tặng lại đã rách bươm mà anh chị vẫn còn dùng, thắc mắc; chị chưa kịp trả lời thì anh cười cười, nửa đùa nửa thật: “Bả khôn lắm, toàn chờ chồng mua rồi bả dùng không à”. Biết chồng đùa, nhưng chuyện “chờ nhau” mỗi lần cần sắm sửa là có thật, chị vừa ngượng với khách, vừa chạnh lòng.

Rốt cuộc, không có phương án nào là tối ưu, là luôn đúng trong vấn đề chi tiêu gia đình. ThS Hà Trung Thành cho rằng, việc rạch ròi trách nhiệm vợ chồng trong chi tiêu không có gì là sai, cũng không phải là tác nhân làm rạn nứt tình cảm vợ chồng. Tuy nhiên, bên trong sự phân chia vai trò ấy phải là tình yêu, sự thấu suốt, cảm thông. Chỉ khi đối xử với nhau bằng tình yêu, phần trách nhiệm mới bớt nặng nề, thay vào đó sẽ là niềm vui được san sẻ, đỡ đần. Để được thế, cả vợ lẫn chồng phải vượt qua tâm lý phân chia, tránh biến bạn đời thành đối tác bằng sự chi li, soi xét, so bì. Chỉ trong không khí thoải mái với cảm giác được sẻ chia, người ta mới vui vẻ, tự giác góp sức mình vào hành trình dựng xây tổ ấm.

Bà Lý Thị Mai nói thêm, không chỉ đồng lòng trong chi tiêu, vợ chồng phải cùng là người lao động, cùng ra ngoài kiếm tiền để hiểu nỗi vất vả mà bạn đời đối mặt mỗi ngày, để cùng nhau trân quý thành quả lao động; đồng thời cũng để tránh tạo khoảng cách của kẻ ban phát - người lệ thuộc.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét