Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

Chưa thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Ông Đào trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trả lời phỏng vấn về đề án đổi mới giáo dục.

Đề án đổi mới giáo dục đưa ra những quan điểm nổi bật nào, thưa ông?
Rất nhiều cái mới. Lần này, thay vì thiên về truyền thụ kiến thức, chúng ta xác định mục tiêu của quá trình giáo dục nhằm phát triển năng lực và rèn luyện phẩm chất của người học. Trước đây, ta chỉ trang bị nội dung mang tính chất thông tin, giờ phải rèn luyện cho người học năng lực để giải quyết vấn đề. Như vậy, các quy trình, phương pháp giáo dục, nội dung chương trình, sách giáo khoa (SGK) cũng sẽ thay đổi theo. Cùng với đó, sẽ kéo theo sự thay đổi trong kiểm tra, đánh giá.
Chưa thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 1

Các kỳ thi lớn nặng nề, tốn kém, gây bức xúc trong dư luận đã lâu, đề án sẽ điều chỉnh như thế nào?
Đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá được nhấn mạnh trong đề án như một giải pháp mang tính đột phá. Đổi mới trước hết nhắm vào các kỳ thi quốc gia mà bấy lâu nay chúng ta rất bức xúc. Chúng ta có hai kỳ thi lớn là tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học - cao đẳng. Kỳ tuyển sinh đại học, thực ra, đã được giải quyết cơ bản khi có Luật Giáo dục đại học, giao quyền tự chủ cho các trường. Họ được tự xác định chỉ tiêu, rồi lựa chọn phương thức và tự tổ chức tuyển sinh.
Có ý kiến cho rằng nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, bởi thực tế trường nào cũng đỗ tốt nghiệp gần 100%?
Với kỳ thi tốt nghiệp THPT, xã hội băn khoăn là quá nặng nề, áp lực, nên bỏ. Thực ra, bỏ luôn thì hơi khó. Đã học 12 năm thì cũng phải có kiểm tra, đánh giá. Vấn đề là mức độ áp lực của kỳ thi đó như thế nào. Phương hướng đổi mới đặt ra lần này yêu cầu làm sao để kỳ thi đó phải dựa vào kết quả học tập của cả quá trình và chỉ xem như một kỳ kiểm tra lớn, tính chất không quá nghiêm trọng như trước. Có lẽ, thi tốt nghiệp THPT sẽ không còn là một kỳ thi quốc gia nữa mà sẽ được xem như là một cuộc kiểm tra lớn, cộng thêm kết quả trong cả quá trình học tập, cung cấp thêm cơ sở để đánh giá và công nhận tốt nghiệp.
Dư luận đang lo lắng đổi mới chương trình, SGK không kịp hoàn thành trước năm 2015?
Tuy chưa công bố nhưng ngành Giáo dục đã làm rồi. Quốc hội cũng có nghị quyết khẳng định đổi mới chương trình, SGK sẽ được xem xét tại kỳ họp sau (giữa năm 2014). Nếu ngành giáo dục tích cực chuẩn bị, có thể triển khai kịp, nhưng cũng khá vội vàng và khó khăn. Những lần trước, ta làm theo kiểu “cuốn chiếu”, từ bậc học thấp lên cao, nhưng lần này muốn làm đồng thời ở tất cả các cấp học.
Đa số các trường giờ toàn dạy “chay”, học “chay”, đổi mới lần này có điều chỉnh được tình trạng này?
Quan trọng là phải giải quyết vấn đề nguồn lực và động lực cho giáo dục. Đáng tiếc, trong đề án, phần này được đề cập hơi mờ nhạt. Rõ ràng, muốn đổi mới mà không có đầu tư thì không thể làm được? Ngành giáo dục lúc nào cũng nói đổi mới hoạt động giáo dục nhưng kinh phí cho nó chỉ chiếm 5 - 10% tổng chi toàn ngành nên gần như... không có hoạt động gì cả, chỉ lo quỹ lương đã hết.
Lực cản đổi mới giáo dục nằm ở chính cán bộ, giáo viên, bởi không ít người ngại thay đổi hoặc sợ mất lợi ích khi áp dụng cái mới?
Cái đó có phần đúng. Với người quản lý, đổi mới có khi lại bị xem là phủ nhận những công việc mà họ vẫn làm lâu nay. Thứ hai, với đội ngũ giáo viên, cán bộ, đổi mới sẽ làm thay đổi gần như mọi hoạt động của họ. Họ sẽ phải tự đổi mới, phải học tập, đào tạo lại, thay đổi cách làm việc, giảng dạy... Nhiều việc đã làm lâu năm, quen lắm rồi, giờ đổi mới cũng vất vả, phải đầu tư nhiều công sức hơn. Với mức thu nhập của cán bộ, giáo viên như hiện nay thì đúng là khó khăn. Không dễ để vượt qua chính mình. Nhưng, nếu có chính sách phù hợp để động viên kịp thời, ngành giáo dục sẽ vượt qua được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét