Anh thực sự cảm thấy mệt mỏi rồi vợ ạ!
Mới đó mà đã hai năm kể từ ngày chúng mình trở thành vợ chồng của nhau em nhỉ. Thời gian trôi nhanh quá, mới ngày nào anh lên Thủ đô học đại học và gặp được em – cô gái Hà thành chính gốc. Nét đẹp trong em, sự dịu dàng, thanh lịch của người con gái Tràng An đã làm anh say đắm kể từ giây phút ban đầu ấy. Tình yêu của hai ta sớm nảy nở nhưng cũng gặp nhiều sóng gió. Khoảng cách địa lý, địa vị xã hội của hai gia đình thực sự là một rào cản lớn. Anh - một chàng trai tỉnh lẻ, nhà đông con, bố mẹ anh chỉ là những người nông dân lao động chân chất, quanh năm chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Là một thế giới đối lập với cô tiểu thư thị thành, từ nhỏ sống trong sự đủ đầy về kinh tế.
Ngày tốt nghiệp đại học, anh tìm cơ hội cho mình ở một công ty xuất nhập khẩu của Nhà nước với hy vọng được phát triển sự nghiệp và có thể chứng minh cho bố mẹ em thấy anh hoàn toàn có thể nuôi sống được em và gia đình của chúng ta sau này. Còn em thì về làm cho công ty của gia đình. Sau bao khó khăn sóng gió, tình yêu trong ta đã chiến thắng tất cả. Đám cưới của chúng ta được tổ chức dưới sự chứng kiến và chúc phúc từ gia đình và bạn bè hai bên. Sau đám cưới, do điều kiện chưa cho phép, em lại là con gái một, chiều ý em nên anh đã cố gắng thuyết phục bố mẹ mình để về nhà em ở rể.
Những ngày đầu sau sau đám cưới thật hạnh phúc, anh sáng đi làm, chiều về giúp đỡ em những việc vặt trong nhà. Em làm kinh doanh với bố mẹ bận hơn rất nhiều, mà những cộng việc đó anh lại không có khả năng giúp đỡ Nhiều khi nhìn em và bố mẹ đầu tắt mặt tối anh thực sự cảm thấy áy náy vì không giúp được gì. Ban đầu bố mẹ cũng không ý kiến gì, nhưng những va chạm trong cuộc sống hằng ngày khiến anh nhận ra sự thay đổi trong ánh mắt, cử chỉ của bố mẹ vợ. Chuyện càng nghiêm trọng hơn khi công ty của bố mẹ gặp phải những khó khăn có thể đi tới bờ vực phá sản. Khác với trước kia, khoảng thời gian đi làm về là khoảng thời gian hạnh phúc nhất với anh, nhưng nay khác rồi. Bầu không khí gia đình không được như xưa, anh cảm thấy nặng nề tới mức “nghẹt thở”.
Rồi thì họ hàng nhà em, rồi thì áp lực từ phía gia đình anh khi lên trên này chơi và chăm đứa cháu nội – con trai đầu lòng hơn 8 tháng tuổi của chúng ta. Rồi thì đồng nghiệp, hàng xóm với những lời dị nghị. Anh nhớ, ngày mới về nhà em ở chưa lâu, hôm đó anh đưa em đi chợ gần nhà để mua đồ về làm cơm khách, lúc em đứng chỗ hàng thịt mua bán, anh đứng phía sau đợi em thì nghe thấy lời của mấy bà hàng rau: “Thằng này là rể nhà ông B đấy, nhà ở tỉnh lẻ, nên sau khi cưới về ở rể luôn… Ai da, người ta nói, ở rể thì khác gì “chó chui gầm chạn” đâu”. Anh thấy chạnh lòng lắm, dẫu biết rằng muôn đời nay ai ở rể cũng bị mang cái tiếng như vậy. Đem chuyện tâm sự với em, mong nhận được sự cảm thông chia sẽ thì em cũng chỉ ậm ừ cho qua, nhiều khi cáu gắt, em cũng chỉ nói: Anh để ý quá rồi đấy, bố mẹ có nghĩ thế đâu, anh làm quá lên. Rồi thì hàng xóm, họ nói gì kệ họ”. Em nói cũng không sai, nhưng sức chịu đựng của anh cũng có hạn mà, đúng không?
Sau khi cưới, anh dần nhận ra giá trị tự do của mình không còn, không còn những cuộc cà phê sau giờ tan sở với đồng nghiệp, bạn bè. Muốn hai vợ chồng có khoảng thời gian riêng tư cũng không có, những buổi xem phim, những bữa cơm bên ngoài với nhau cũng là điều… không tưởng. Muốn dọn dẹp nhà cửa theo ý mình hay ngay khi muốn dạy con trai theo cách của một người bố, anh cũng không được thực hiện theo ý muốn. Thay vào đó, mỗi lần như thế anh lại nhận lại sự cằn nhằn từ mẹ, sự cáu giận từ bố… Anh như không có tiếng nói trong gia đình này vậy. Vợ chồng từ đó cũng bắt đầu có những cuộc cãi vã, giận hờn. Đỉnh điểm khi anh nói: “Lấy chồng thì phải theo thói nhà chồng” thì bố mẹ em lại nói: “Anh nên nhớ là anh đang sống trong nhà của vợ anh đấy, ít ra thì nên biết điều”.
Chính câu nói đó như một lưỡi dao sắc nhọn đâm vào trái tim vốn tổn thương của anh bấy lâu. Anh có cái sỹ diện của một thằng đàn ông nên anh quyết dọn ra khỏi nhà. Em lại giở trò khóc lóc, ỉ ôi bảo rằng bố mẹ có tuổi rồi, cần mình ở cạnh ngày đêm chăm sóc, báo hiếu… lại khiến anh mềm lòng. Nhưng thực sự, anh thấy anh không còn là chính mình với cuộc sống hiện tại nữa, cảm thấy mình nhu nhược quá, yếu đuối quá, lời nói của anh không còn trọng lượng và hơn cả trong anh đã hình thành nên nỗi sợ của một người đàn ông ở rể. Ngay cả em bây giờ cũng không hiểu anh, không đứng về phía anh… Em à, “tức nước thì vỡ bờ” quy luật bao đời nay vẫn thế, sự việc đã đi quá giới hạn cho phép. Tình yêu trong anh dành cho em vẫn luôn mãnh liệt nhưng không đủ lớn để thắng nổi cái “tôi”, cái sỹ diện của một thằng đàn ông trong anh… Mình chia tay đi em, có lẽ đó là giải pháp tốt nhất cho cả hai ta và cả bố mẹ em nữa…